Ổ cứng là một thành phần quan trọng trong máy tính, tất cả dữ liệu của người dùng như hệ điều hành windows hoặc dữ liệu cá nhân đều được lưu trữ trong ổ cứng và chúng luôn được truy xuất thường xuyên.
Ổ cứng là một thiết bị rất quan trọng trong hệ thống bởi chúng chứa dữ liệu thành quả của một quá trình làm việc của những người sử dụng máy tính. Những sự hư hỏng của các thiết bị khác trong hệ thống máy tính có thể sửa chữa hoặc thay thế được, nhưng dữ liệu bị mất do yếu tố hư hỏng phần cứng của ổ cứng thường rất khó lấy lại được.
Ổ cứng hiện nay có 2 loại chính là HDD và SSD.
Ổ cứng SSD là gì?
SSD là viết tắt của Solid State Drive. Bạn có lẽ quen thuộc với các USB – ổ cứng SSD có thể được coi là một phiên bản có dung lượng lớn hơn và phức tạp hơn của bộ nhớ USB. Khác với ổ cứng HDD, không có ổ đĩa xoay vật lý nào bên trong ổ SSD.
Hiện nay, có 3 loại ổ SSD là M.2, NVMe và SATA, trong đó ổ SATA có thể sử dụng được cho phần lớn các mẫu máy tính bàn hay laptop hiện nay, còn ổ M.2 hay NVMe chỉ mới xuất hiện trên những mẫu máy gần đây.
Ổ cứng HDD là gì?
HDD là viết tắt của Hard Disk Drive là ổ đĩa cứng hoạt động bằng cơ. HDD (Hard Disk Drive), là thiết bị lưu trữ dữ liệu cho máy tính sử dụng đĩa tròn phủ vật liệu từ tính được xoay trên động cơ.
Với HDD, dữ liệu được ghi lên các phiến đĩa (gọi là platter), ví dụ trong ổ đó bạn có 1000 bài nhạc MP3, khi muốn mở một bài nhạc nào đó, đầu từ của ổ sẽ quét lên các phiến đĩa để tìm file MP3 đó, việc này mất một khoảng thời gian (gọi là seek time), nhưng vì seek time này vô cùng nhỏ, chỉ vài giây, nên hầu như chúng ta không nhận thấy sự chậm trễ này.
Tuy nhiên, vì cơ chế đó mà với HDD có chứa nhiều dữ liệu, chúng sẽ bị phân mảnh, dẫn tới việc tốc độ truy xuất bị giảm sút (giống như ta mất thời gian lựa chọn 1 chiếc túi trong cửa hàng), và cũng vì giới hạn trong công nghệ sản xuất mà HDD ngày nay chỉ tăng về dung lượng là chủ yếu chứ tiến rất chậm về tốc độ.
Hiện nay có 2 loại kích cỡ ổ HDD chính là 3.5 inch và 2.5 inch, trong đó ổ 3.5 inch chỉ dùng được cho máy tính bàn, ổ 2.5 inch được dùng chủ yếu cho laptop nhưng cũng có thể sử dụng trên máy tính bàn.
So sánh ổ cứng SSD và HDD
Nội dung | SSD | HDD |
Giá thành | Đắt hơn so với HDD cùng dung lượng | Rẻ hơn so với SSD cùng dung lượng |
Mức độ phổ biến | Không phổ biến bằng HDD | Khá phổ biến |
Độ bền | Rất cao | Rất thấp, dễ bị hỏng do tác động ngoại lực |
Tiếng ồn | Không gây tiếng ồn | Gây tiếng ồn do có các thành phần chuyển động |
Tốc độ đọc/ghi | Có thể lên đến 3500MB/s | Có thể lên đến 100MB/s |
Điện năng tiêu thụ | Thấp | Cao |
Độ phân mảnh | Không gây ảnh hưởng đến hiệu năng của ổ cứng | Gây ảnh hưởng đến hiệu năng của ổ cứng |
Những đặc điểm vượt trội của SSD so với HDD:
– Giảm thiểu thời gian khởi động hệ điều hành (Laptop có ổ SSD dùng win 10, khởi động chỉ tầm dưới 10 giây).
– Khả năng truy xuất dữ liệu cực nhanh.
– Nạp chạy các phần mềm nhanh chóng.
– Bảo vệ dữ liệu cực tốt, khả năng chống sốc cao.
– Hoạt động không tiếng ồn, tản nhiệt hiệu quả và mát.
– Băng thông truyền tải dữ liệu lớn, giúp tăng khả năng làm việc của máy tính.
Chơi game nên dùng SSD hay HDD
Một trong những ưu điểm của ổ SSD chính là mang lại tốc độ cho hệ thống laptop, đồng nghĩa với việc khi cài game vào ổ cứng SSD sẽ giúp tăng tốc độ đáng kể để tải nhanh hầu hết các game nặng hiện nay.
Kết luận
Do mỗi loại ổ cứng lại có lợi thế riêng về chức năng và giá cả, nên việc xác định ổ cứng SSD và HDD cái nào tốt hơn không có câu trả lơi chính xác tuyệt đối. Nói ngắn gọn, nếu các bạn sử dụng máy tính cho công việc văn phòng, lướt web xem phim hay giải trí thông thường, cứ chọn SSD cho nhanh. Ổ HDD rất rùa bò trong việc xử lý này. Tuy nhiên, nếu bạn có nhu cầu lưu trữ cao như phim, hình ảnh hay bạn làm công việc đồ họa, dựng phim, nên có ổ HDD 1TB trong máy.
Cách tốt nhất để dung hòa 2 sự lựa chọn này là bạn có thể có 1 ổ cứng SSD trên máy để cài chương trình và Windows lên đó. Để những chương trình này khởi chạy nhanh hơn. Còn ổ chuyên dụng để lưu trữ tài liệu thì dùng sang ổ HDD.